Khí hậu ẩm ướt, sự thay đổi nhiệt độ nhanh chóng khiến hệ thống miễn dịch vốn còn non nớt của trẻ lại càng yếu hơn. Làm thế nào để phòng bệnh cho trẻ trong mùa mưa?
Phòng bệnh cho trẻ trong mùa mưa là mối quan tâm của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ. Trời mưa gió thường xuyên, khí hậu nóng ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus gây bệnh phát triển và lây lan nhanh hơn. Trẻ hay gặp những bệnh như: cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên, tiêu chảy cấp…
1.Các bệnh thường gặp vào mùa mưa ở trẻ nhỏ
Do sức đề kháng của trẻ chưa kịp hình thành, thời tiết thay đổi, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh và nhiễm bệnh. Khi bị cảm lạnh, trẻ có thể sốt đột ngột (>38,3 độ C) hoặc sốt kèm theo run, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, rất mệt và ho khan. Sau khi xuất hiện các triệu chứng trên khoảng 2 đến 3 ngày, trẻ có thể bị đau họng, ngạt mũi và ho liên tục.
1.1.Các bệnh viêm đường hô hấp
Cảm lạnh và cảm cúm là loại bệnh thường thấy ở trẻ nhỏ trong mùa mưa. Cả hai loại đều có triệu chứng tương tự nhau như sốt, hắt hơi, chảy mũi,… nên trẻ rất dễ tiếp xúc với người bị nhiễm. Do đó, hãy khuyến khích trẻ đeo khẩu trang, rửa tay và vệ sinh cá nhân thường xuyên.
Mùa mưa nên trẻ dễ mắc bệnh(Nguồn sưu tầm)
Hầu hết trẻ em bị viêm đường hô hấp trên ở mức độ nhẹ, chỉ kéo dài vài ngày và tự khỏi, thậm chí không cần dùng kháng sinh, vì đa số là do virus gây ra. Tuy nhiên, có một số trẻ bị viêm đường hô hấp nặng nhưng không sốt hoặc sốt nhẹ. Đặc biệt với trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng; lại kèm ho khò khè, có vẻ có tiếng rít, trẻ biếng ăn, khó chịu, quấy khóc nhiều và ngủ kém. Lúc này cần đưa trẻ đi khám ngay.
Viêm mũi và viêm họng thường do sự thay đổi của thời tiết và độ ẩm gây nên. Để phòng ngừa, mẹ hãy đảm bảo bé đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và bổ sung chế độ ăn giàu vitamin C để tăng cường hệ miễn dịch.
Viêm phổi và viêm phế quản là những bệnh nghiêm trọng hơn, đặc biệt khi bé tiếp xúc với môi trường lạnh và ẩm ướt. Nếu thời tiết thay đổi thất thường, hãy khuyên trẻ nhỏ hạn chế ra ngoài. Nếu đi học, hãy giữ cho bé ấm áp và khô ráo để bé không bị mắc bệnh.
1.2. Bệnh tiêu chảy
Tiêu chảy cấp ở trẻ em thường do virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng gây ra. Trong số đó, Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây tiêu chảy cấp, có thể gây tử vong ở trẻ nhỏ. Đây là loại virus có khả năng tồn tại lâu dài trong môi trường ẩm thấp gió mưa, có thể sống hàng giờ trên tay và trên các bề mặt rắn. Đặc biệt, Rotavirus có thể sống ổn định, gây bệnh khi sống trong phân 1 tuần.
Rất nhiều trẻ gặp phải bệnh tiêu chảy(Nguồn sưu tầm)
Nguyên nhân chính dẫn tới tiêu chảy cấp trong mùa mưa lũ là do: Vệ sinh kém, thực phẩm bị ô nhiễm, hoặc tại những nơi xảy ra mưa lũ nguồn nước dễ bị nhiễm vi khuẩn tả, vi khuẩn Salmonella, Shigella, lỵ Amip, vi khuẩn E.coli và các vi khuẩn đường ruột khác.
1.3.Bệnh dị ứng
Mùa mưa là mùa vi khuẩn sinh sôi và lay lan, nên trẻ không thể tránh khỏi dị ứng da và dị ứng mũi. Trẻ có triệu chứng dị ứng da thường ngứa, đỏ, nổi mẩn. Trong khi đó, dị ứng mũi có thể gặp chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi và nghẹt mũi.
Mẹ hãy quan sát biểu hiện của trẻ (Nguồn sưu tầm)
Mùa mưa, trẻ thường gặp bệnh viêm da mủ, viêm nang lông, bệnh viêm kẽ.
Với bệnh viêm da mủ, thường gặp ở trẻ em có điều kiện vệ sinh kém, ăn uống thiếu chất, sức đề kháng yếu, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Triệu chứng thường là những mụn nước, mụn mủ trên da, tập trung ở vùng hở, tay chân, khi dập vỡ tạo vết trợt loét nông, trên có vảy màu vàng hoặc màu hơi nâu, xung quanh có viền vảy hoặc quầng đỏ.
Bệnh mày đay, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do khí hậu lạnh, xuất hiện nhiều khi thời tiết thay đổi, khi ra gió hay lúc trời mưa, khí hậu lạnh và nước mưa thấm vào người, bé cũng dễ bị nổi mề đay. Khi đó, trên da người bệnh sẽ nổi sẩn, mảng cứng có màu hơi hồng, kích thước thay đổi từ một đến vài centimet và nổi ở bất kỳ vị trí nào trong người, nhất là ở những nơi hở ra ngoài như: tay, chân, mặt, kèm theo ngứa dữ dội.
1.4.Bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.
Dịch tay chân miệng có thể gặp quanh năm. Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tăng
cao và khoảng từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Các biến chứng này bao gồm:
– Biến chứng về não bộ như: Viêm não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm màng não.
– Biểu hiện như giật mình, ngủ gà, bứt rứt, đi loạng choạng, run chi, mắt nhìn ngược, rung giật nhãn cầu, yếu liệt chi, co giật, hôn mê,… Biến chứng tim mạch, hô hấp bao gồm: Viêm cơ tim, phù phổi cấp, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch có thể tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời
Bệnh tay chân miệng do virus đường ruột gây ra.(Nguồn sưu tầm)
1.5.Bệnh sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do siêu vi Dengue gây ra; bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường rộ lên vào đầu mùa mưa và có thể trở thành dịch, diễn tiến nặng bất ngờ, gây tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến là trẻ em từ 1 – 15 tuổi, nhiều nhất là lứa tuổi 5 – 9 tuổi, trẻ dưới 12 tháng tuổi cũng có thể mắc bệnh.
Hình ảnh bệnh sốt xuất huyết nguồn sưu tầm
- Cách chăm sóc sức khỏe cho trẻ trong mùa mưa
Cha mẹ cần làm gì để con ít ốm?
Hầu hết các viêm nhiễm vùng tai- mũi- họng đều lành tính nếu bạn phân biệt được lúc nào cần tư vấn của bác sĩ. Cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Chế độ ăn tăng cường sức đề kháng cho trẻ
Một chế độ ăn uống khoa học là rất cần thiết cho trẻ nhỏ. Đây là yếu tố quan trọng giúp trẻ có hệ miễn dịch khỏe mạnh. Cha mẹ nên chú ý đến thành phần protein và vi chất dinh dưỡng. Trong đó, kẽm và sắt là hai vi chất cực kỳ quan trọng có trong thịt bò, thịt gà, cá, trứng và hải sản.
Ngoài ra, cha mẹ nên rèn luyện cho con thói quen ăn nhiều rau củ quả, uống các loại nước ép trái cây màu vàng, cam, đỏ như: cam, cà rốt, cà chua… để bổ sung vitamin A, vitamin B, và vitamin. Vitamin C còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch của trẻ.
Hình ảnh (Nguồn sưu tầm)
Nguyên tắc 2: Thay đổi hoạt động cho trẻ
Do thời tiết thất thường kèm theo độ ẩm, mưa gió nên việc thay đổi hoạt động của trẻ là cần thiết. Luôn giữ ấm cơ thể trẻ, nhất là về đêm, chú ý vùng cổ, ngực và bụng. Cần chú ý vệ sinh cho trẻ: Ngoài việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ xung quanh trẻ, việc vệ sinh cá nhân cho trẻ cũng rất chu đáo như: Cắt móng tay, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng kháng khuẩn, dùng nước muối sinh lý để vệ sinh mũi họng hàng ngày.
Cần cho trẻ ngủ đủ giấc: Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ. Cha mẹ nên đảm bảo cho con ngủ đủ 9-12 tiếng mỗi ngày tùy theo độ tuổi. Phòng ngủ của trẻ phải thoáng mát, đủ ánh sáng và duy trì độ ẩm nhất định để trẻ không bị khó thở.
Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với động vật: Lông chó, mèo hay bụi từ chăn, ga, đệm… không được vệ sinh sạch sẽ là nguyên nhân chính gây ra bệnh ho, hen suyễn ở trẻ…
Nguyên tắc 3: Chăm sóc đúng cách
Khi trẻ bị bệnh thường sốt, ho, nôn mửa và đi ngoài phân lỏng. Ngoài việc cho trẻ đi khám bác sĩ, cha mẹ cần chăm sóc trẻ đúng cách.
Nếu trẻ sốt: Cha mẹ nên cho trẻ mặc quần áo thoáng, dễ thấm mồ hôi, uống nhiều nước, lau nước ấm cho trẻ và đưa trẻ đến khám tai- mũi- họng.
Nếu trẻ ho: Nên nhớ, ho không phải là dấu hiệu xấu. Ho là phản xạ phòng vệ tự nhiên của cơ thể giúp tống đờm nhớt, virus, vi khuẩn ra khỏi đường hô hấp. Nguyên nhân gây ho phổ biến nhất ở trẻ em là nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus, vì vậy triệu chứng này đạt đỉnh điểm vào ngày thứ 2-3 của bệnh và kéo dài 10-14 ngày.
Để giảm ho cho trẻ, đối với trẻ dưới 12 tháng mẹ nên nhỏ một vài giọt thuốc chống dị ứng. Với trẻ trên 12 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho trẻ uống ½ thìa thuốc long đờm thảo dược trước khi đi ngủ 30 phút sẽ giúp giảm ho và ít thức giấc ban đêm.
Nếu trẻ nôn trớ và tiêu chảy phân lỏng: Nguyên nhân thường gặp nhất là viêm dạ dày, ruột do virus hay còn gọi là tiêu chảy cấp. Việc sử dụng thuốc chống nôn và chống tiêu chảy không được khuyến khích. Nếu trẻ chỉ nôn và đi phân lỏng ít, hãy cho trẻ uống nhiều nước để tránh mất nước và cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu. Tình trạng nôn mửa sẽ cải thiện trước, phân lỏng sẽ ổn sau 5-7 ngày. Nếu thấy trẻ nôn trớ, đi ngoài phân lỏng ngày càng nhiều thì bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế.
Nguyên tắc 4: Cần tiêm phòng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.
Để phòng bệnh, trẻ cần được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
Cúm thường lây truyền qua đường hô hấp, hiệu quả tiêm phòng là 96-97%. Trẻ được tiêm phòng cúm có thể bị bệnh nhẹ hơn và ngắn hơn so với trẻ không được tiêm phòng.
- Kết luận
Trong mùa mưa, trẻ nhỏ có nguy cơ cao mắc các bệnh như viêm đường hô hấp, cảm lạnh, tiêu chảy và dị ứng. Để bảo vệ sức khỏe của trẻ và phòng ngừa các bệnh thường gặp vào mùa mưa, mẹ nên vệ sinh cá nhân cho trẻ, đảm bảo cung cấp chế độ ăn dinh dưỡng và tạo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ.
Người đưa tin: Diễm Trinh – MNTCS