CÁCH PHÒNG BỆNH CHO TRẺ KHI THỜI TIẾT GIAO MÙA

Thời tiết giao mùa với những đợt gió mùa chính là nguyên nhân khiến các trẻ dễ mắc phải nhiều căn bệnh khác nhau, đặc biệt là những bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, cảm sốt, viêm mũi dị ứng, ho khan,… Vào thời điểm giao mùa, thời tiết có những biến đổi bất thường dễ khiến trẻ mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa, tay chân miệng… Nắng nóng vẫn còn trong khi đã có những đợt gió mùa tràn về. Trời sáng nắng, chiều mưa, nóng lạnh thay đổi thất thường trong một ngày khiến trẻ nhỏ khó thích nghi kịp. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe cho con trong thời điểm này, các phụ huynh cần giữ nguyên tắc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Bài viết sau sẽ đưa ra cho các phụ huynh những lời khuyên và cách phòng tránh để trẻ được khỏe mạnh trong thời tiết giao mùa như hiện nay:

* Một số bệnh trẻ dễ mắc vào thời điểm giao mùa:

       1.Viêm phế quản

Sự thay đổi đột ngột về nhiệt độ từ tiết trời oi nóng của mùa hè sang se lạnh của mùa thu cộng với sự chênh lệch nhiệt độ rất lớn giữa ngày và đêm chính là nguyên nhân khiến các bé bị viêm phế quản. Khi bị viêm phế quản, các bé sẽ cảm thấy khó thở, hơi thở nặng nhọc, hay khò khè trong họng, ho nhiều, rát họng, có đờm và bị chảy nước mũi. Khi trẻ ho có đờm trắng vàng đục cần phải đưa đi khám ngay để tránh trường hợp bé bị nhiễm trùng thứ cấp.

       2.Tiêu chảy

Đây cũng là một bệnh trẻ rất dễ bị mắc vào mùa thu này. Khi bị bệnh, trẻ sẽ có biểu hiện bị nôn trước, sau khoảng 1 – 2 ngày thì bắt đầu bị đi ngoài. Bệnh có thể kèm theo triệu chứng ho, sốt nên nhiều phụ huynh dễ bị nhầm lẫn với bệnh viêm đường hô hấp hoặc viêm mũi họng. Bệnh thường kéo dài khoảng từ 3 đến 7 ngày. Biến chứng nguy hiểm nhất là trẻ bị mất nước, mất muối quá nhiều, từ đó dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm khác nếu không được bù nước kịp thời.

       3.Viêm đường hô hấp

Đây là một bệnh phổ biến lây truyền qua đường miệng, nước bọt, tiếp xúc qua tay và các đồ dùng để ăn uống. Khi mắc bệnh, trẻ sẽ có các biểu hiện như đột ngột sốt cao, đau đầu, đau họng, lạnh toàn thân, ho, mệt mỏi, chán ăn và đi ngoài nhẹ.

       4.Cảm cúm

Đây là một trong những bệnh trẻ dễ bị mắc phải nhất khi thời tiết chuyển sang thu. Cảm cúm là một loại bệnh do vi-rút gây ra rất dễ lây qua đường hô hấp, trẻ em là lứa tuổi có tỷ lệ dễ bị nhiễm cảm cúm nhất. Những triệu chứng thường thấy khi trẻ bị cảm cúm là sốt cao, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, ho và chán ăn.

      5.Dị ứng

Trẻ thường bị dị ứng khi thời tiết chuyển mùa do làn da của các trẻ vô cùng mỏng manh và nhạy cảm. Khi bị dị ứng thời tiết, da của các trẻ sẽ nổi mẩn đỏ và ngứa, trẻ dễ quấy khóc và biếng ăn.

*Cách phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết giao mùa:

       1.Ăn chín uống sôi

Nghe thì có vẻ là điều đương nhiên, nhưng nhiều phụ huynh có thói quen thích và hay nấu đồ ăn tái một chút để giữ được độ ngọt của thực phẩm. Tuy nhiên, với trẻ thì đồ ăn tái không có lợi chút nào! Đồ ăn của trẻ cần được chế biến riêng sao cho đảm bảo chín kỹ và an toàn nhất. Và phụ huynh đừng nên nấu quá nhiều trong một bữa cho con nhé. Nấu vừa đủ khẩu phần ăn của trẻ, không để trẻ ăn đồ ăn nấu lại là cách bảo vệ hệ tiêu hóa tốt nhất đấy!

1 2

        2.Nhỏ nước muối sinh lý

Thời tiết thay đổi dễ khiến mũi của trẻ bị khô, ngạt hoặc chảy mũi nước. Nước muối sinh lý chính là phương thuốc hữu hiệu lúc này. Chỉ cần vài giọt nước muối ấm sẽ giúp con dễ thở hơn, làm sạch chất nhầy, ngăn ngừa dịch mũi chảy xuống cổ họng gây viêm họng và ho. Mẹ có thể ngâm ấm nước và thử cườm tay trước khi nhỏ cho con.

       3.Đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài

Khi thời tiết chuyển mùa, phụ huynh cần lưu ý tới hệ hô hấp của trẻ khi ra ngoài. Đeo khẩu trang cho trẻ không chỉ giúp cản bụi mà còn ngăn ngừa virus, vi khuẩn lây qua đường hô hấp. Tập thói quen đeo khẩu trang từ nhỏ rất có lợi cho sức khỏe trẻ, đặc biệt là lúc thời tiết giao mùa.

4 3

        4.Tắm cho trẻ

Bạn cần chú ý tắm nước ấm cho trẻ và tắm ở nơi kín gió, tắm nhanh. Nguyên tắc quan trọng khi tắm cho trẻ lúc trời trở lạnh là tắm từ dưới lên trên. Bạn rửa chân cho bé đầu tiên, sau đó tắm dần lên trên. Gội đầu thật nhanh cho bé sau khi tắm để tránh bé bị lạnh khi đang ướt.

Ngoài ra phụ huynh nên tắm trước rồi mới đến trẻ vì khi bạn tắm sẽ làm hơi nước ấm vẫn còn đọng lại trong phòng, làm cho không khí phòng tắm ấm lên. Phụ huynh cũng có thể cho một ít dầu tràm vào nước để trẻ tắm ấm hơn.

       5.Tăng sức đề kháng cho trẻ bằng cách xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh

Để tăng sức đề kháng cho bé, các phụ huynh cần xây dựng thực đơn với những nhóm thực phẩm giàu canxi, vitamin. Bữa ăn của trẻ phải được đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Một bữa ăn của trẻ nên được bổ sung thêm nước cam, hoa quả, sữa chua ; tăng cường thực phẩm chứa kẽm và selen – 2 vị chất có tác dụng nâng cao sức đề kháng, kích thích ăn uống ngon miệng, tăng khả năng hấp thu dưỡng chất như : thịt bò, hàu sữa, đậu nành, giá đỗ, bí đỏ, lạc…

Bằng cách tập cho trẻ ăn lành mạnh, phụ huynh đã giúp trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn. Hạn chế cho trẻ ăn các loại đồ ăn ngọt, đồ ăn nhiều dầu mỡ, các món ăn chế biến bằng cách chiên xào,.. Thay vào đó là cho trẻ ăn những loại thức ăn bổ dưỡng nhiều vitamin và protein, thực phẩm tươi như trứng, cá, thịt, sữa, rau củ quả các loại và chú ý cho trẻ uống đủ nước trong ngày để có sức đề kháng mạnh khỏe. Với các cánh chế biến lành mạnh như luộc, hấphầm để vừa đảm bảo cách chế biến khoa học, lại vừa giúp giữ lại được những chất dinh dưỡng tốt nhất trong thực phẩm cho con.

        6.Giữ môi trường sạch sẽ, thoáng mát cho trẻ

Hạn chế cho trẻ tiếp xúc trẻ bị bệnh. Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác ít nhất 7 ngày. Phụ huynh cũng nên chủ động tiêm ngừa cho bé để hạn chế các bệnh theo mùa, Phụ huynh nên chủ động tiêm phòng các bệnh cho bé như Rubella, cúm,…

        7.Hãy luôn nhắc trẻ rửa tay thật kỹ trước khi ăn và vệ sinh tay chân sạch sẽ

Đây là một việc làm rất đơn giản nhưng thường thì trẻ hay “quên”. Không phải cứ tiếp xúc trực tiếp với người bệnh thì mới có khả năng mắc bệnh, vi khuẩn tồn tại ngay ở những vật trung gian như khăn, cốc, đồ chơi, điện thoại,… Vì vậy, phụ huynh cần tạo thói quen rửa tay bằng xà phòng hàng ngày, nhất là sau khi đi học, đi chơi về. Phụ huynh cần hướng dẫn bé cách rửa tay để đảm bảo bàn tay được sạch sẽ và luyện cho bé không mút tay, không cho đồ chơi vào miệng.

f0edc3dedc3626687f27

        8.Mặc quần áo phù hợp cho trẻ.

Thời tiết lúc giao mùa có thể chuyển đổi từ lạnh sáng sang nóng trưa rồi trở lạnh khi về chiều, hay từ nắng đến mưa chỉ trong một ngày,. Vì thế phụ huynh cần chuẩn bị quần áo cho trẻ sao cho thật phù hợp nếu mặc ấm quá thì trẻ sẽ ra mồ hôi nhiều, hoặc mặc phong phanh trẻ dễ bị cảm lạnh, ho, sốt…

Nếu trẻ đi học, phụ huynh nên chuẩn bị sẵn áo khoác mỏng mặc cho trẻ vào sáng sớm tới trường, quần áo dài tay nếu trời trở lạnh và quần áo cộc mặc khi trời nóng. Phụ huynh hãy dặn dò trẻ mặc quần áo sao cho bé thấy thoải mái nhất, hoặc nhờ cô giáo nhắc bé thay quần áo cho phù hợp là tốt nhất vì trẻ nhỏ thường mải chơi mà hay quên.

Phụ huynh lưu ý: Quần áo cho trẻ mặc ở nhà, khi đi ngủ cũng nên thoải mái, tùy vào nhiệt độ trong phòng mà mặc sao cho phù hợp. Tốt nhất là cho trẻ mặc đồ làm bằng chất liệu cotton dễ chịu, dễ thấm mồ hôi. Khi trẻ ngủ nên mặc kín, tránh để hở cổ và hở bụng vì trẻ dễ bị nhiễm lạnh vào ban đêm.

       9.Khuyến khích trẻ tham gia vào những trò chơi vận động

Khi trẻ được chơi trò chơi, được vận động thì trẻ sẽ có cảm giác thoải mái, vui vẻ đồng thời sẽ khỏe mạnh hơn rất nhiều. Phụ huynh chơi cùng con để vừa cho trẻ cảm nhận được sự gắn kết với bố mẹ, vừa xây dựng cho trẻ một hệ miễn dịch tốt.

Ngoài ra, các phụ huynh cũng nên hạn chế cho con đến những nơi đông người, cho bé uống siro để tăng sức đề kháng, cho con đi tiêm phòng đầy đủ …Và điều đặc biệt bạn hãy nhớ là chăm sóc bé mỗi ngày đều đặn để bé luôn khỏe mạnh nhé!

6 5

Phụ huynh hãy áp dụng những lời khuyên này để giúp trẻ có sức khỏe tốt khi thời điểm giao mùa đã đến nhé!

Người đưa tin: Diễm Trinh – MGTCS